“...Toàn Thiên Thử thân như chim én, Triệt Địa Thử một trang hảo hán, Xuyên Sơn Thử tay sắt thần quyền, Phiên Giang Thử thân thủ phi phàm, Cẩm Mao Thử toàn thân rất đảm, Ngũ Thử đó kết nghĩa kim lan, truyện thất hiệp ngũ nghĩa lưu truyền trong dân gian.”
Đây là trích đoạn trong bài hát mở đầu của loạt phim truyền hình Bao Thanh Thiên 1993 vốn đã rất quen thuộc với khán giả. Cả nhóm Ngũ Thử chỉ xuất hiện ở vụ án cuối cùng “Ngũ Thử náo Đông Kinh” nhưng lại được nhắc tên đầy đủ trong nhạc phim, đó là vì trong bộ tiểu thuyết “Thất hiệp ngũ nghĩa” (tên gốc là “Tam hiệp ngũ nghĩa”), nhóm đại hiệp này có rất nhiều “đất diễn”, nhờ tài năng của mình, họ đã được triều đình chiêu mộ, đến làm việc tại phủ Khai Phong và góp công phá nhiều vụ án, bắt giữ những tên tội phạm khét tiếng trên giang hồ.
Đại ca đứng đầu của nhóm Ngũ Thử là Lư Phương, vốn là con trai một hào phú ở phủ Tòng Giang - Chiết Giang, lại có một cơ ngơi trên đảo Hãm Không. Họ Lư tính tình hiền hậu, chính trực, đối tốt với xóm làng, giỏi võ nghệ nên rất có uy tín trong vùng. Y từ bé đã giỏi leo trèo, kỹ năng vượt tường, bay nhảy hơn người nên có biệt danh Toàn Thiên Thử (nghĩa là con chuột giỏi leo trèo, luồn lách giữa trời).
Nhị ca Hàn Chương, biệt hiệu Triệt Địa Thử (chuột khoét đất), là người chính trực, thận trọng. Luận về võ công, y đứng thứ hai trong nhóm, chỉ xếp sau Bạch Ngọc Đường. Hàn Chương giỏi sử dụng đơn đao, tên độc và ám khí, lại có tài cải trang. Bấy giờ, nhóm Ngũ Thử xảy ra mâu thuẫn, một bên thì chấp nhận đến làm việc ở phủ Khai Phong, một bên thì ngược lại, Hàn Chương chán chường, bỏ đi phiêu bạt giang hồ, mãi về sau mới gặp lại huynh đệ và bị thuyết phục về góp sức cho triều đình, được phong lục phẩm hiệu úy.
Tam ca là Từ Khánh, là kẻ mày to trán lớn, tính tình thô lậu, hung dữ nhưng rất thành thực, Bao Chửng vừa gặp mặt lần đầu đã cảm thấy có thiện cảm. Y sức khỏe hơn người, giỏi dùng đơn đao, khi di chuyển ở đảo Hãm Không thường chui luồn qua 18 cái hang, vì thế có biệt danh là Xuyên Sơn Thử (chuột chạy xuyên núi). Tống Nhân Tông muốn thử tài, yêu cầu Từ Khánh luồn lách qua mấy hang núi, chỉ độ tàn một cây nhang, y đã chui qua các hang để lên đến đỉnh núi. Tống Nhân Tông bèn phong cho chức lục phẩm hiệu úy, đến làm việc ở phủ Khai Phong.
Tứ ca Tưởng Bình có biệt hiệu “Phiên Giang Thử” (chuột quẫy sông), bởi y có tài bơi lội, lặn sâu, am hiểu thủy tính. Trong Ngũ Thử, Tưởng Bình có dung mạo xấu xí nhất, tướng tá gầy gò như cành mai, mặt mũi xám xịt như kẻ ốm bệnh sắp chết, vì thế thường không chiếm được thiện cảm của mọi người nhưng y lại là người mưu lược, điềm tĩnh, có thể nói là nhân vật có đầu óc nhất nhóm. Vũ khí của y là một cặp Nga Mi thích rất nhỏ gọn (giống hai mũi tên nhỏ, cách sử dụng chắc cũng na ná dùng bút phán quan). Tống Nhân Tông muốn thử tài Tưởng Bình, đem một con kim thiềm quý giá (cóc vàng) thả xuống hồ nước, Tưởng Bình lặn xuống nửa canh giờ thì bắt được, được vua phong lục phẩm hiệu úy.
Người cuối cùng trong nhóm Ngũ Thử là Bạch Ngọc Đường, cũng là nhân vật nổi bật nhất trong năm người. Bạch Ngọc Đường tuổi trẻ tài cao, văn võ song toàn, sử cương đao nổi danh giang hồ khi mới 20 tuổi, đã giỏi võ nghệ mà văn chương, thư pháp cũng rất xuất chúng. Không những thế, họ Bạch lại có dung mạo anh tuấn, mi thanh mục tú, có thể coi là đệ nhất mỹ nam trong giang hồ, vì thế có biệt hiệu là Cẩm Mao Thử (chuột lông gấm), lần đầu Triển Chiêu nhìn thấy Bạch Ngọc Đường, y đang cầm chén rượu phải đặt xuống, quan sát đối phương tỉ mỉ, trong lòng không khỏi cảm thấy ái mộ.
Tuy tài giỏi nhưng Bạch Ngọc Đường không thoát được cái thói nông nổi của tuổi trẻ, tính tình cao ngạo, thích so tài cao thấp. Y bị Bắc Hiệp Âu Dương Xuân đánh bại thì hổ thẹn đến nỗi suýt treo cổ tự vẫn. Nghe chuyện Triển Chiêu được Tống Nhân Tông phong làm “Ngự miêu” (con mèo của vua), chuyện vốn chẳng liên quan đến mình mà y ở tít tận đảo Hãm Không cũng cảm thấy nóng mặt, cho rằng mình là chuột mà hắn lại là mèo, hóa ra mình bị hắn áp chế. Vậy là Bạch Ngọc Đường đại náo Đông Kinh, gây ra hàng loạt sự kiện như giết gian thần Quách An, đề thơ ở miếu Trung Liệt, đánh cắp ba món bảo vật hoàng cung, thách thức Triển Chiêu đến đảo Hãm Không lấy bảo vật…Sau cùng, nhờ mưu trí của Tưởng Bình, Bạch Ngọc Đường cũng bị bắt và bị thuyết phục quy thuận triều đình, được phong Ngự tiền tứ phẩm thị vệ.
-----------
Ảnh trong bài: Triển đại hiệp vui vẻ chụp chung với Ngũ Thử trong ngày debut của nhóm. Từ trái sang phải (không tính ông áo đỏ): Tưởng Bình - Từ Khánh - Bạch Ngọc Đường - Hàn Chương - Lư Phương.