Bàn về nhân vật Đường Tăng
Nhắc đến Đường Tăng trong Tây du ký, hầu hết ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm vì sự bảo thủ và ngây ngốc của nhân vật này. Đường Tăng đại diện cho tầng lớp trí thức trong xã hội khi đó, hấp thu tư tưởng phong kiến cao độ, rất cứng nhắc nhưng cũng rất nhu nhược.
Nếu như Tôn Ngộ Không là hình mẫu của một con người có tài năng, tuy hơi cao ngạo nhưng hành động quyết liệt, yêu ghét phân minh thì Đường Tăng chính là hình mẫu một thượng cấp vô tài, ngược lại với mọi đức tính của Ngộ Không. Người ta đọc Tây du ký, đa phần đều phát bực với tính bảo thủ của Đường Tăng. Năm lần bảy lượt bị yêu quái lừa nhưng y vẫn không chịu rút kinh nghiệm, vẫn một mình một ý, không chịu nghe lời khuyên của Ngộ Không, hậu quả là y thường bị yêu quái bắt, khiến đám đồ đệ nhiều phen lao tâm khổ tứ để cứu thầy.
Vừa bảo thủ, Đường Tăng lại vừa trái tính trái nết. Trong đoàn thỉnh kinh, Ngộ Không tháo vát và có bản lĩnh nhất, thường nhận nhiệm vụ do thám, đi kiếm đồ ăn. Bát Giới và Sa Tăng sẽ ở lại bảo vệ sư phụ, trông coi hành lý. Đường Tăng có dung mạo đẹp đẽ nhất, lại hiểu phép tắc, thường đảm nhận nhiệm vụ đối ngoại khi cần giao tiếp với mọi người, nhất là khi cần gặp các vị vua chúa, các vị đức cao vọng trọng. Nhiệm vụ đã được phân công hợp lý như thế nhưng ở kiếp nạn Bàn Ty động, Đường Tăng lại nổi hứng muốn tự mình đi xin cơm chay, mặc cho Ngộ Không và Bát Giới can ngăn. Cuối cùng, chỉ có Sa Tăng là khôn ngoan, hiểu tính thầy. Hắn nói với hai anh:
“Sư huynh, đừng nói lắm nữa, tâm tính sư phụ đã như vậy, không nên trái ý, nếu để thầy phát cáu, dù có xin được cơm, thầy cũng không ăn”.
Như vậy đủ thấy, Đường Tăng quen được các đồ đệ “nuông chiều”, cái gì không làm theo đúng ý của y thì y giận dỗi sinh sự. Chúng ta thường cho rằng Sa Tăng là kẻ khù khờ, nhưng hóa ra có những lúc hắn còn tinh tế hơn cả hai vị sư huynh.
Đứng giữa một đám đồ đệ dung mạo xấu xí ma chê quỷ hờn thì ngoại hình của Đường Tăng lại càng nổi bật, y thường được miêu tả “dáng người anh vĩ, vẻ mặt hiên ngang”, chẳng thế mà khiến Tây Lương nữ vương vừa nhìn thấy đã mê mẩn, còn khiến nhiều yêu nữ muốn kết duyên cho bằng được. Tuy nhiên, cái vẻ ngoài uy nghi, khí chất phi phàm đó của Đường Tăng chỉ xuất hiện trong điều kiện không có hiểm nguy, thường là khi y ăn vận chỉnh tề, vào cung yết kiến vua chúa hoặc làm đại lễ nơi tự viện.
Ngược lại với khí chất đó, mỗi khi gặp trắc trở, cái vẻ nhu nhược của Đường Tăng lại có dịp được bộc lộ. Hễ nghe thấy tin có yêu ma chặn đường thì y sợ mất hồn mất vía, đến nỗi “ngồi không vững trên yên ngựa, ngã lộn nhào xuống đất”. Đứng trước khó khăn, cho dù chỉ là một con sông dữ không có thuyền đưa qua hay một đoạn đường cây cỏ chắn lối, Đường Tăng luôn chỉ biết “nhăn mày, ròng ròng sa đôi hàng lệ”, hễ rời Ngộ Không ra thì không đi được nửa bước. Chứng kiến đám Bát Giới, Sa Tăng chia chác hành lý, y cũng chỉ biết nằm lăn lộn ra đất mà gào khóc như một đứa trẻ bất lực. Tác giả đã châm biếm sự nhu nhược của một bộ phận trí thức phong kiến thông qua hành động khóc lóc than vãn của Đường Tăng mỗi khi gặp khó khăn.
Tuy nhiên, nếu chỉ chê mà không khen Đường Tăng thì lại có phần bất công cho nhân vật này. Đường Tăng bảo thủ và yếu đuối trong hành động nhưng y là kẻ có lập trường vững vàng, kiên định với sứ mệnh. Trong suốt 81 kiếp nạn, bốn thầy trò gặp phải không ít cám dỗ: công danh quyền lực, tiền tài vật chất cho đến sắc dục nhưng Đường Tăng tuyệt nhiên chưa một lần động tâm (dù đôi khi vẫn hay than vãn vì đường xa đi mãi không đến tây phương). Nhờ có điểm chung là lòng kiên định với sứ mệnh mà Đường Tăng và Ngộ Không mới có thể hợp tác với nhau bất chấp tính cách của hai nhân vật này có nhiều điểm trái ngược.
Trong các hồi truyện, độc giả chỉ thấy Ngộ Không lao tâm khổ tứ, đánh yêu diệt quái để đoàn người vượt qua kiếp nạn, độc giả cũng thấy Trư Bát Giới vất vả, làm những công việc nặng nhọc như xẻ núi mở đường, ngay đến nhân vật mờ nhạt như Sa Tăng cũng có lúc góp công sức đánh dẹp yêu quái, còn Đường Tăng chẳng làm được việc gì ngoài khóc lóc khi gặp yêu quái hoặc trái tính trái nết, làm khổ bọn đồ đệ. Chúng ta rất dễ bỏ qua một vai trò vô cùng quan trọng của Đường Tăng, đó là y đại diện cho lý tưởng tây du. Nói một cách đơn giản, Đường Tăng không cần làm gì, sự tồn tại của y chính là lý do để các đồ đệ tiếp tục gắn bó với sứ mệnh, là chất keo gắn kết những cá nhân khác biệt như Ngộ Không và Bát Giới trở thành một tập thể. Nếu thiếu y, Ngộ Không lại trở về Hoa Quả sơn làm đại thánh, Bát Giới về Cao Lão trang cày ruộng, Sa Tăng lại trầm luân với kiếp yêu quái ở Lưu Sa Hà… Đường Tăng đã làm rất tốt vai trò của một người lãnh đạo, đó là tập hợp những cá nhân tài giỏi nhưng khác biệt, khiến họ phục vụ cho một mục đích chung.