Tôn Ngộ Không mạnh hay yếu?
Để xét về sức mạnh của Tôn Ngộ Không trong bộ tiểu thuyết Tây du ký, người đọc thường phân tích thông qua hai mốc sự kiện: quá trình đại náo thiên cung và hành trình thỉnh kinh sau 500 năm bị giam dưới núi Ngũ Hành của Ngộ Không.
Tôn Ngộ Không mạnh không? Mạnh chứ! Tuy hắn không phải là vô địch tam giới nhưng nếu bảo hắn yếu xìu thì lại có phần bất công cho nhân vật này rồi.
Nếu Ngộ Không yếu, hắn đã chẳng thể đại náo thiên cung, gây ra một chuỗi sự việc tày đình xuyên suốt 7-8 hồi đầu của Tây du ký. Quá trình Tôn Ngộ Không náo thiên cung, phải kể từ lúc hắn xuống thủy cung “mượn” binh khí, xin giáp trụ của Long vương, đánh vào điện Sâm La, gạch hết tên tuổi của nhà khỉ ra khỏi sổ sinh tử. Chỉ riêng hai việc ấy, đã tính là đại tội, là hành động phá vỡ cái trật tự mà thiên đình tạo ra.
Tôn Ngộ Không là yêu quái hạ giới, lại được “mời” lên trời làm chức “tề thiên đại thánh” (dù là hữu danh vô thực), như thế cũng đã là hiển hách, là oai phong với đám 72 động chủ dưới trần lắm rồi, nhưng hắn liên tiếp hai lần tự ý từ bỏ chức vụ, không hề coi thiên quy ra cái gì. Nghiêm trọng hơn, trước khi bỏ về, hắn còn phá hội Bàn Đào - một sự kiện vô cùng trang trọng của thiên đình, ăn sạch tiên đan của Thái thượng lão quân.
Hai lần nhà trời đem thiên binh thiên tướng xuống bắt Ngộ Không, hai lần đó đều bị hắn đánh bại. Lần thứ nhất, Cự Linh Thần bị Ngộ Không đánh gãy búa, phải bỏ chạy về trận. Na Tra thái tử đánh với Ngộ Không được 30 hiệp, bị trúng một gậy đau quá, cũng thua trận chạy về.
Lần thứ hai, nhà trời lại sai Lý thiên vương và Na Tra đem 10 vạn thiên binh, căng 18 lưới thiên la địa võng, vây chặt Hoa Quả Sơn. Chuyến này còn có nhị thập bát tú, cửu diệu tinh quân, mười hai nguyên thần, ngũ phương yết đế… chưa kể có tứ đại thiên vương hiệp lực.
Truyện kể: “Chín diệu tinh quân cùng xông lên đánh, đại thánh không cuống sợ, giơ gậy bịt vàng, đánh ngang đón dọc, làm chín diệu tinh quân giao chiến mãi, mệt nhừ tử, lần lượt cắp ngược khí giới, thua chạy vào trung quân.”
Kế đó, tứ đại thiên vương và nhị thập bát tú cùng đem quân ra trận. Bên này, Ngộ Không cũng sai phó tướng là Độc Giác Quỷ Vương, cùng yêu vương 72 động và 4 kiện tướng bày thế trận. Trận này là một trường hỗn chiến kinh hồn táng đởm, mãi đến khi mặt trời lặn mới kết thúc. Độc Giác Quỷ Vương và yêu vương 72 động đều bị thiên thần bắt hết, một mình đại thánh vẫn chống chọi với tứ đại thiên vương, Lý thiên vương và Na Tra ở trên không. Thấy trời đã về chiều, hắn nhổ một nắm lông, biến ra trăm ngàn đại thánh, cầm gậy đánh lui Na Tra, đánh bại cả năm thiên vương.
Đám thiên vương thu quân, tuy đánh thua yêu hầu nhưng vẫn dâng công trạng, bắt được nhiều tù bình, có điều những đám bị bắt đều là hùm, beo, lang, cáo… chứ tuyệt nhiên không bắt được một loại khỉ nào.
Vậy là sau hai lần đem quân thảo phạt Hoa Quả sơn, thiên binh đều thất bại, những chiến lực mạnh nhất như Tứ thiên vương, Nhị thập bát tú, Na Tra thái tử… đều không làm gì được Tôn Ngộ Không. Cho đến khi thiên đình mời đến Nhị Lang chân quân đến mới khống chế được yêu hầu. Chân quân đánh với Ngộ Không mấy trăm hiệp không phân thắng bại, sau lại có anh em Mai Sơn cùng vây vào đánh, dồn Ngộ Không vào một góc. Vòng vây xiết chặt nhưng cũng chưa bắt được hắn, Lão quân phải ném cái vòng kim cương, đánh trúng đầu Ngộ Không, nhân đó đám Chân quân mới xúm vào bắt trói Ngộ Không, lấy dao móc xiên xương bả vai để không biến đi đâu được nữa.
Truyện kể đến như thế, đã thấy Tôn Ngộ Không là nhân vật tài ba cỡ nào rồi, giờ bị nhà trời bắt được, dù bị xử tội chết cũng đã kịp để lại chút tiếng tăm cho đời. Ấy thế mà nhà trời bắt được hắn rồi, vẫn không cách gì xử trị hắn được. Đao chém, lửa đốt, búa bổ, sét đánh… đều mảy may không làm thương tổn đại thánh. Ấy là do hắn đã ăn quá nhiều tiên đan, đào tiên, ngự tửu… cơ thể đã luyện thành một thân kim cương rồi. Lão quân mới nghĩ ra một phương án, đó là đem yêu hầu bỏ vào lò Bát quái, dùng lửa vũ văn luyện đan mà đốt.
Ở trong lò, Ngộ Không chui vào trốn ở cung Tốn. Tốn là gió, hắn nằm ở đấy suốt 49 ngày, bị gió cuốn khói hun cho hai mắt đỏ lên, về sau được gọi là “mắt lửa con ngươi vàng”, tên nghe oai vậy chứ kỳ thực chính chứng bệnh đau mắt kinh niên của Ngộ Không
Lại nói, Ngộ Không bị đun trong lò suốt 49 ngày. Chợt một hôm, Lão quân mở lò lấy thuốc, Ngộ Không chớp thời cơ nhảy ngay ra ngoài, đạp đổ cả lò. Đám lục đinh lục giáp và lực sĩ coi lò đều bị đá ngã, Lão quân sấn đến cũng bị hắn đánh cho một cái ngã bổ chảng. Ngộ Không lấy gậy Như Ý ra, đánh đông đánh tây, không kể trên dưới, khiến chín diệu tinh quân phải đóng chặt cửa, tứ đại thiên vương chạy đâu mất cả. Tác giả đã tả châm biếm cái sự hèn nhát của đám thần linh đạo mạo thông qua một lời kể đơn giản như thế.
Tôn Ngộ Không đánh luôn đến điện Thông Minh, điện Linh Tiêu, bấy giờ có Vương linh quan giữ điện, cầm kim tiên ra ngăn lại. Hai bên đánh nhau một trận trước điện Linh Tiêu, vẫn chưa phân thắng thua. Hựu thánh chân quân bèn đem giấy đến phủ Thiên Lôi, điều 36 lôi thần đến trợ lực, vây chặt lấy Ngộ Không nhưng không thể đến gần hắn. Hai bên hò hét loạn xạ, kinh động đến cả Thượng đế. Thượng đế bèn truyền chỉ sai sứ sang Tây phương, thỉnh Phật tổ đến hàng yêu.
Chuyện Như Lai thu phục Ngộ Không và giam hắn dưới núi thế nào, không cần kể dài dòng thêm nữa, nhưng chúng ta thấy đó, Tôn Ngộ Không không mạnh thì sao có thể gây ra một trường kinh thiên động địa đến như vậy, khiến đám thần thánh, thiên tướng phải lao tâm khổ tứ đến như vậy.
Thế giới của Tây du ký được xây dựng rất thú vị theo nguyên tắc “vạn vật tương sinh tương khắc”, “núi cao còn có núi cao hơn”. Trong thế giới này, chẳng có một nhân vật nào là vô địch. Một kẻ mạnh đến đâu vẫn luôn có một cao nhân có thể khắc chế hắn, ví dụ như ba con tê giác ở động Huyền Anh, Ngộ Không đánh mãi cũng khó thủ thắng bởi bọn chúng nó mệnh Thủy, chỉ có mấy vị mệnh Mộc trong nhị thập bát tú mới thu phục được, hay như con bọ cạp tinh chỉ có thể bị khắc chế bởi thiên địch là mão kê tinh… Đây cũng là lý do người đọc thấy Ngộ Không sao mà yếu thế, đụng yêu quái nào cũng phải gọi viện binh đến giúp. Nhưng chính những lúc đánh thua yêu quái như thế, chúng ta mới thấy cái tài tháo vát của con khỉ. Gặp kẻ địch mạnh đến đâu, pháp bảo lợi hại đến đâu, Tôn Ngộ Không đều không sợ hãi. Hắn sẽ tìm cách này cách khác, từ gọi cứu trợ cho đến dùng cái lọc lõi tinh khôn, thiên biến vạn hóa để lừa lũ yêu quái một vố, để đạt được mục tiêu quan trọng nhất đó là giải cứu sư phụ, tiếp tục sứ mệnh đi về phía tây.
Nếu chỉ cần đủ mạnh là có thể đại náo thiên cung, thì còn nhiều yêu quái mạnh hơn Tôn Ngộ Không sao không làm điều đó. Ấy là vì mạnh thôi chưa đủ, còn cần cái sự ngông cuồng, không biết trời cao đất dày (kể cả có bị coi là liều lĩnh, ngu ngốc đi chăng nữa), thì Tôn Ngộ Không mới làm nên một kỳ tích lưu danh muôn thuở như vậy. Chẳng thế mà, 500 năm sau, vẫn nhiều yêu quái phải thốt lên: “Tôn Ngộ Không có phải là cái kẻ năm xưa đã từng đại náo thiên cung?”. Ngay chính Tôn Ngộ Không cũng thường “ăn mày dĩ vãng”, nhiều lần nhắc lại hành động đại náo thiên cung một cách đầy tự hào. Xét cho cùng, hắn cũng xứng đáng được phách lối một chút về cái chiến tích xưa cũ đó mà.
Ảnh: trích từ phim hoạt hình "Đại náo thiên cung" 1964